03/01/2020
“Tết ấm Tình Người” trên dải đất miền Đông
Trong không khí tất bật cuối năm, những chuyến thiện nguyện của Câu lạc bộ Tình Người Mifaco Tp Hồ Chí Minh vẫn rộn ràng tỏa đi nhiều địa phương của khu vực miền Đông Nam Bộ. Chuyến đi Bình Dương vào chiều ngày 26/12/2019 trong chương trình “Tết ấm Tình Người - trao quà cho bà con nghèo và nạn nhân chất độc da cam/Dioxin” là một chuyến đi đầy hứng khởi đối với các thành viên CLB Tình Người Mifaco Tp Hồ Chí Minh, bởi được trải nghiệm tại một vùng đất đã đi vào huyền thoại với những giai điệu tự hào

   

55 cô bác anh chị là hội viên, cộng tác viên và học viên từ khắp các tỉnh thành Nam Bộ đang sinh hoạt tại CLB Tình Người Mifaco Tp Hồ Chí Minh ngày hôm nay đã có mặt tại điểm tập kết thật sớm để chắc chắn rằng mình không bị lỡ chuyến đi ý nghĩa này. Đây là lần đầu tiên các cô bác anh chị tham gia chương trình “Tết ấm Tình Người” trong tổ chức Câu lạc bộ Tình Người Mifaco TP Hồ Chí Minh, trong sắc áo vàng đặc trưng Tình Người. Ai cũng háo hức được góp một phần công sức nhỏ nhoi của mình để chuyến đi được viên thành. Mọi khâu chuyển quà, phân quà, tập kết quà diễn ra chỉn chu, chóng vánh, gọn gàng.

Các thành viên CLB Tình Người Mifaco TP HCM mỗi người một tay chuyển quà, phân quà.

Ngoài bà con nghèo, hôm nay, các thành viên CLB Tình Người Mifaco TP HCM còn được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ với những cô bác cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong một thời “gánh đạn đội bom” quyết giành lại hòa bình, độc lập cho non sông đất nước… Vừa vào Hội trường, các thành viên CLB Tình Người Mifaco TP HCM đã chủ động đến từng bàn ân cần thăm hỏi, trò chuyện cùng các cô bác thương bệnh binh, thắm thiết như với người thân lâu ngày gặp lại. Di chứng tàn độc của chiến tranh đã khiến cô bác không còn lành lặn, khỏe mạnh, nhưng những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống hiện tại cứ râm ran, sôi nổi. Những câu chuyện như những thước phim quay chậm kể về vô vàn khó khăn của những cô bác bị nhiễm chất độc da cam, và những gia đình có thế hệ thứ hai chịu di chứng từ cha mẹ. Qua đó mới thấy sự tàn khốc của chiến tranh khủng khiếp đến nhường nào!

Các thành viên CLB Tình Người Mifaco TP Hồ Chí Minh trò chuyện cùng bà con cô bác trong Hội trường.           

Chú Nguyễn Văn Hon, quê ở Phú Hòa Đông, tham gia bộ đội chủ lực năm 1967. Chú được điều động vào Đoàn Hậu cần Quân đoàn 3. Trong 8 năm bám trụ nuôi quân, dấu chân chú cùng đồng đội in khắp mọi ngóc ngách dải đất của chiến trường miền Đông - một chiến trường vô cùng ác liệt bởi kế cận thủ phủ của Chính quyền Sài Gòn. Ngày Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, chú trở về gia đình với nhiều thương tích trên thân thể, trong đó một mảnh đạn nằm trong phổi đi theo chú đến hết cuộc đời. Những tưởng bấy nhiêu đã là quá đủ, nhưng không, chú đã bị nhiễm chất độc dioxin do quân đội Mỹ rải khắp các địa bàn lân cận Sài Gòn, trong đó dải đất chiến trường miền Đông là địa điểm đầu tiên. Sau hơn 10 năm trở về, chất dioxin bắt đầu hoành hành trong cơ thể chú. Càng ngày, những độc hại của chất dioxin càng bùng phát mạnh và tàn phá sức khỏe chú. Đến thời điểm này chú hoàn toàn mất khả năng đi lại, phần da toàn thân bị ghẻ lở. Không chỉ thế, cả 4 người con của chú - niềm hy vọng tương lai của chú - đều mang trong mình di chứng dioxin.

Cô Lưu Thị Thu Hương, vợ chú Hon cho biết, cả 4 người con đều bị thần kinh, không bạn nào có thể phụ giúp bố mẹ một việc gì dù nhỏ nhất như quét nhà. Người con gái duy nhất Nguyễn Thị Hương Lan của cô chú nhìn vẻ ngoài bình thường nhất, nhưng mọi hành động thì cũng không hơn gì các anh em mình. Hơn hai mươi năm qua, một mình cô nâng giấc, chăm chồng chăm con. 5 con người: người thì không có sức khỏe thể chất, người thì mất sức khỏe tinh thần, tất cả đều dựa hết vào cô. Vậy mà mấy mươi năm qua, cô Hương không một lời than trách và vẫn luôn chu toàn. Cô còn tự làm thêm cơm rượu cung cấp cho hầu khắp địa bàn để có thêm thu nhập lo cho bữa ăn của chồng con thêm phần đủ đầy. Điều đáng khâm phục và truyền nguồn cảm hứng cho chính các thành viên CLB Tình Người Mifaco Tp Hồ Chí Minh là cô Hương còn thu xếp mỗi tuần đều đặn 3 buổi tham gia bếp ăn từ thiện của 2 bệnh viện trên địa bàn. Với cô, nghĩa cử này chỉ đơn giản là: “bên ngoài vẫn còn nhiều mảnh đời bất hạnh hơn mình và mình không có tiền thì mình góp bằng công, giúp được chút gì cho mọi người thì giúp…”.

Cô Lưu Thị Thu Hương và con gái cùng đến dự Chương trình Tết ấm Tình Người của CLB Tình Người Mifaco Tp Hồ Chí Minh.

May mắn hơn chú Hon, chú Dương Quang Thanh, 82 tuổi quê Vĩnh Long tập kết ra Bắc năm 1954 và các con của chú đều được sinh ra ngoài Bắc nên đều mạnh khỏe. Năm 1973 chú được điều động vào Miền Nam, đóng quân tại Lộc Ninh, chuẩn bị cho việc hình thành bộ máy Chính quyền Giải phóng Miền Nam Việt Nam ngay sau khi Miền Nam được giải phóng. Chỉ 2 năm ở chiến trường này, chú Thanh cũng bị nhiễm dioxin. Hơn 30 năm qua, chú bị xương khớp nặng, vừa đau đớn vừa đi lại vô cùng khó khăn; nhiều chứng bệnh về nội tạng cũng hành hạ. Ấy vậy mà nhắc đến những ngày đạn bom réo gào, chú Thanh hào hứng say sưa kể chuyện. Với chú, từng vào sinh ra tử trên chiến trường này, chứng kiến sự hy sinh của bao đồng đội, trong đó có những đồng đội ngã xuống ngay trước giờ phút lịch sử của dân tộc, thì sự trở về của chú dù thế nào cũng là vô cùng quí giá. Chính suy nghĩ đó giúp chú vượt qua đớn đau thể chất, sống lạc quan, nuôi dạy con cháu.

Suốt mấy mươi năm qua, mỗi bước đi của chú Thanh đều phải trông vào sự trợ giúp của con cháu.

Cũng là một chiến binh may mắn trở về từ chiến trường miền Đông Nam Bộ, chú Nguyễn Quang Nhiễu, 74 tuối, hiện sống tại thị xã Dĩ An cho biết: chú vào chiến trường miền Đông năm 1964 và đã trải qua 11 năm chiến đấu tại chiến trường này. Bị nhiễm chất dioxin, trong người chú mang đủ thứ bệnh nội tạng, xương khớp, tiểu đường. May mắn thay, các con của chú đều khỏe mạnh, lành lặn. Thế nhưng mấy mươi năm qua, người cựu chiến binh này chưa khi nào thực sự tận hưởng niềm vui mà luôn canh cánh nỗi lo, bởi chú biết sự tàn độc của chất ma quái mang tên dioxin không dừng lại tàn phá một thế hệ mà còn di truyền đến nhiều thế hệ con cháu. Mỗi người con ra đời, người cha chai sạn với đạn bom ngày nào từng giờ từng phút vẫn đau đáu dõi theo những biểu hiện nhỏ nhất của con cho đến tận lúc trưởng thành. Khi các con lập gia đình nỗi lo càng đong đầy. Chú Nhiễu nói: “Tôi lo đến mất ăn mất ngủ! Lo cho từng đứa con, giờ lại lo cho từng đứa cháu. Ngày nào thấy chúng khỏe mạnh, bình thường thì mừng ngày đó, vì bản thân tôi đã nhiễm thì không thể chắc chắn một điều gì…”.

Nhiều lắm những câu chuyện đời thường của những cựu chiến binh đang từng ngày từng giờ đối diện và chống chọi với di chứng của chất độc da cam: như chú Nguyễn Quang Minh chiến đấu tại chiến trường Phước Long (có 1 con nhiễm chất độc da cam); cô Nguyễn Thị Thanh Loan, nữ giao liên thuộc Ban Binh vận Thủ Dầu Một… Thế nhưng không tật bệnh nào có thể dập tắt ngọn lửa lạc quan trong họ. Được gặp gỡ giao lưu với các cô bác, biết rõ sự hy sinh vô cùng lớn lao của cô bác cho hòa bình, độc lập và cuộc sống ấm no hạnh phúc hôm nay, các thành viên CLB Tình Người Mifaco TP Hồ Chí Minh được truyền nguồn cảm hứng bất tận, và càng thấy mình cần làm thật nhiều những việc tốt, có ích cho cộng đồng, cho đất nước. Những phần quà nhỏ bé hôm nay gói trọn tình cảm trân quí, kính trọng, được nâng niu, ân cần trao đến tận tay từng cựu chiến binh như một nghĩa cử tri ân.

Những món quà nghĩa tình được các thành viên CLB Tình Người Mifaco TP Hồ Chí Minh trao tận tay bà con cô bác.

Cũng qua giao lưu, từng cử chỉ ân cần chu đáo của các thành viên CLB Tình Người Mifaco TP Hồ Chí Minh phần nào làm ấm lòng các cô bác. Cô Nguyễn Thị Thanh Loan luôn mỉm cười ấm áp: “Các con thật chu đáo, thật thân thương! Cảm động lắm! Chúc cho các con làm được thật nhiều chương trình như thế này!”.

Thành viên CLB Tình Người Mifaco TP HCM tận tâm giúp các cô bác.

Chia tay cô bác ra về, nhìn “tòa tháp đôi” hiện đại; Trung tâm Hội nghị bề thế, uy nghi; hạ tầng khu trung tâm hành chính thành phố mới tỉnh Bình Dương khang trang, tiện nghi… mọc lên trên chính dải đất chiến trường miền Đông năm xưa, mới thấy những người con “miền Đông đất đỏ” hôm nay đã tiếp bước cha anh viết lên một trang sử mới, đúng như lời bài hát năm xưa: “Tổ quốc ơi, ta yêu Người mãi mãi. Từ trận thắng hôm nay, ta xây lại bằng mười. Từ trận thắng hôm nay, ta xây lại đẹp hơn…”.

Box: Ông Trương Bình Long, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Bình Dương cho biết: Toàn tỉnh có gần 6000 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có 269 gia đình hai thế hệ bị nhiễm và lây nhiễm. Cá biệt có gia đình tất cả các con đều bị nhiễm từ cha. Riêng thị xã Dĩ An có 181 nạn nhân chất độc da cam đã được công nhận và hơn 800 trường hợp phơi nhiễm.  

 

04/07/2021 Chung 1 niềm tin vào sự tuyệt vời của trí tuệ Trước những vấn đề rất mới xuất hiện trong cuộc sống, ví như mô hình tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ Tình Người, bất kỳ một ai thấm nhuần thực tế: Sự hiểu biết của con người được ví như giọt nước nhỏ nhoi giữa đại dương mênh mông những điều con người chưa biết, thì rất cần sự bình tâm, khách quan xem xét, lý giải để tránh đánh mất đi giá trị và ý nghĩa to lớn của những điều rất mới mang lại lợi lạc cho mỗi người, cũng như cho cộng đồng, xã hội. Giữa lúc vẫn còn cách hiểu lệch lạc về hoạt động của Câu lạc bộ Tình Người, thì có rất nhiều người đã vô cùng may mắn được đón trí tuệ ở Câu lạc bộ Tình Người vẫn đều đặn gửi những bức tâm thư thể hiện mạnh mẽ 1 niềm tin: Trí tuệ đã mang lại những giá trị, ý nghĩa vô cùng to lớn cho bản thân, gia đình, công việc, quan hệ, tài chính của mỗi con người, cũng như cộng đồng.

Xem tiếp

10/05/2021 Niềm hạnh phúc của bà Nguyễn Thị Vinh trong ngày đón đại diện Câu lạc bộ Tình Người và các tổ chức, đoàn thể về thăm nhà Ngôi nhà đầu tiền mà đoàn đại diện Câu lạc bộ Tình Người về hỗ trợ kinh phí xây dựng là nhà bà Nguyễn Thị Vinh, tại thôn Hạc Sơn, xã Châu Sơn, huyện Ba Vì. Chồng bà Vinh mất đã lâu.

Xem tiếp

08/05/2021 3 lần vào viện mới mổ được tim cho con Cháu Lò Văn Tiến, sinh năm 2004, dân tộc Thái, ở vùng khó khăn (bản Sen Đông, xã Mường Than, huyện Than Yên, Lai Châu) bị bệnh tim bẩm sinh nặng, nhưng mẹ cháu, chị Lò Thị Liên chia sẻ gia đình không biết. Mãi đến năm 2019, khi gia đình phát hiện cháu khó thở, người yếu, thì mới đưa cháu đi khám.

Xem tiếp