08/01/2020
Giọt nước mắt trong ngày rất vui của Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên
Chỉ một buổi sáng ngắn ngủi nhưng đã đọng lại rất nhiều chuyện đáng nhớ, khi “Tết ấm Tình Người” về với 60 con người đã cống hiến một phần thân thể cho đất nước

Sáng 7/1/2020, xuất phát cùng 20 chuyến xe 45 chỗ từ trụ sở của Câu lạc bộ Tình Người tỏa đi khắp các trung tâm thương binh toàn miền Bắc, xe ô tô số 14 thẳng tiến đến Duy Tiên, Hà Nam - nơi có trung tâm điều dưỡng thương binh nặng được thành lập rất sớm ở Việt Nam (năm 1957).

Đội truyền lửa tình nguyện CLB Tình Người hâm nóng không khí bằng những bài ca cách mạng và người lính.

37 hội viên, cộng tác viên và học viên thay mặt cho hàng ngàn tấm lòng Tình Người khắp ba miền Bắc Trung Nam mang 60 suất quà (trị giá 36 triệu đồng) tới tri ân 60 thương bệnh binh và lan tỏa nét văn hóa trí tuệ đặc sắc “báo ơn, báo hiếu, trả nợ, tạo phúc”. Họ đến với tinh thần “cho đi là còn mãi”, nhưng chính họ lại được nhận những điều tuyệt vời nhất.

“Màu áo không quan trọng. Quan trọng là tâm và tấm lòng”

Tuy đây là lần thứ 5 các cô bác thương bệnh binh Duy Tiên gặp lại Tình Người, nhưng những người đã vào sinh ra tử ấy vẫn thấy xúc động sâu sắc khi những con người mặc áo vàng tươi rói ríu rít, lễ phép, tận tình vào phòng đẩy xe lăn và dìu các cô bác ra Hội trường.

Bác Phạm Minh Liên năm nay 68 tuổi nhưng đã ở Trung tâm 36 năm. Năm 1972 anh bộ đội Phạm Minh Liên vào chiến trường Quảng Trị - nơi khốc liệt nhất của cuộc chiến. Đó là thời kỳ “cơm Bắc, giặc Nam” - đêm bơi qua sông Thạch Hãn đánh địch, sáng lại rút về bên bờ Bắc. Sau đó, anh Liên lại được điều động đến một chiến trường khốc liệt không kém: Nam Lào. Tại đây, đạn giặc đã găm vào cột sống của người chiến sĩ ấy và biến đôi chân vạn dặm Trường Sơn thành tàn phế.

Ngồi xe lăn, nhưng tinh thần vị Chủ tịch Hội đồng thương binh của Trung tâm này lại rất phấn chấn, khỏe khoắn. Hơi ngạc nhiên vì lần đầu thấy thành viên của Tình Người mặc áo vàng (trước đây là áo đỏ của Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người), bác Liên quả quyết: “Tôi chỉ nói ngắn gọn thế này thôi. CLB Tình Người quả thật rất tình người. Màu áo nào không quan trọng, quan trọng nhất là cái tâm và tấm lòng. Hai điều ấy Tình Người đều có cả. Chắc chắn Tình Người sẽ ngày càng phát triển”.

Đáp lại những tình cảm nồng ấm, thương yêu của Tình Người, bác Nguyễn Lý, một thương binh nặng yêu văn thơ, đã lên sân khấu đọc tặng bài thơ chứa chan tình cảm:

EM ƠI, HÃY NHỚ DUY TIÊN

Em về cúc vội nở hoa
Cây xòa bóng mát chim ca vang lừng
Trung tâm nhộn nhịp tưng bừng
Đón em như trẻ đón mừng người thân
Em về đây đã bao lần
Mà anh vẫn thấy tần ngần nôn nao
Nhớ người tình nghĩa má đào
Nói vòng tay lớn thấm vào lòng nhau
Em về anh đã bớt đau
Mái đầu đỡ bạc tươi màu áo xanh
Tấm lòng nhân ái chân thành
Tình yêu thương đó ai đành dễ quên
Em ơi! Hãy nhớ Duy Tiên
Đất lành chim đậu bạn hiền nhớ mong
Nhớ người em gái má hồng
Trái tim nhân hậu tấm lòng nghĩa nhân
Anh vì nước, em vì dân
Cùng trồng cây phúc lớn dần yêu thương.

Thương binh Nguyễn Lý xúc động đọc tặng CLB Tình Người bài thơ ý nghĩa: “Em ơi, hãy nhớ Duy Tiên”.

Người lính có ước mơ lạ lùng ở chiến trường và lời cảm ơn vì đã “thấu hiểu”

Bác Lê Tiến Lợi, 67 tuổi, quê ở Mỹ Lộc, Nam Định là thương binh hạng nặng nhất, mất 95% sức khỏe. Năm 1972 chàng thanh niên Lê Tiến Lộc vào chiến trường Đông Nam Bộ chiến đấu, và đến 1975 thì bị thương, liệt vĩnh viễn từ bụng trở xuống.

Khi tỉnh dậy trong trạm phẫu thuật tiền phương, chàng thanh niên hơn 20 tuổi chưa một lần biết yêu, thấy vô cùng đau đớn khi phần dưới thân thể mình không còn cảm giác. Trước đó, khi ở giữa chiến trường ác liệt, Lê Tiến Lợi chỉ có một ước mong trong sáng là được nắm tay một cô gái bất kỳ nào đó. Nhưng ước mơ đó chưa kịp thực hiện thì đạn giặc đã cướp mất một phần thân thể.

Trong quá trình điều trị, chàng chiến sĩ trẻ lại chỉ ước mơ được chị nữ y tá thơm nhẹ lên má một lần, là mãn nguyện. Ước mơ nhỏ nhoi ấy đã được người y tá đó thực hiện, và đó là kỷ niệm đẹp nhất đời người chiến sĩ ấy.

Kể câu chuyện ấy, bác Lợi muốn nói với các thành viên của Tình Người một điều bác đã ấp ủ: “Bố tôi là liệt sĩ chống Pháp. Chị tôi là thanh niên xung phong, sống độc thân. Tôi cũng ước ao có một gia đình lắm chứ, nhưng mình thế này, không thể tròn chức năng, nên đành chịu. Cái niềm an ủi lớn nhất với chúng tôi, nhiều khi không phải vật chất mà chính là sự thấu hiểu, đồng cảm của xã hội. Ước mơ năm xưa của tôi đã được chị nữ y tá thấu hiểu, đồng cảm. Nhưng bây giờ, nhiều người có hiểu chúng tôi đâu. Họ có nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, nhưng lại không biết rằng bao nhiêu đồng đội chúng tôi vẫn nằm lại dưới đáy sông, đáy biển, đáy vực sâu, nguồn con suối. Vẫn có người tham nhũng hàng trăm hàng ngàn tỉ mà không biết rằng ai đã chiến đấu, cống hiến cho họ được cuộc sống này? Điều vô cùng tuyệt vời là các anh chị ở Tình Người đã thấu hiểu máu xương của những người như chúng tôi. Đấy là việc khiến chúng tôi ấm lòng nhất”.

Khi tạm biệt chúng tôi, bác Lợi không quên “gửi lời cảm ơn chị Quỳnh ở Tình Người đã gửi chăn ấm cho tôi. Chăn rất ấm và Tình Người rất ấm”.

“Quà thì nhỏ những tấm lòng chúng con thì đong đầy”

Mặc dù là những người đi tặng, nhưng hội viên và tình nguyện viên Tình Người, lại nhận được những điều vô cùng quý giá: Được báo ơn, trả nợ; được cống hiến vô danh vô lợi; được luyện trí tuệ…

Trưởng đoàn Ngô Văn Phúc phát biểu tri ân các thương bệnh binh đã cống hiến máu xương cho đất nước.

Phát biểu tại buổi lễ trao tặng quà, Trưởng đoàn 14 Ngô Văn Phúc xúc động: “Dịp Tết đến xuân về luôn nhắc chúng con một đạo lý: ‘uống nước nhớ nguồn’. Xin thay mặt cho hàng ngàn anh chị em Tình Người 3 miền và nhân dân, xin ghi tạc công lao, sự hy sinh xương máu cho đất nước của bao thế hệ anh hùng liệt sĩ, đặc biệt là các cô bác đang ngồi đây hôm nay.

Chúng con đi các nơi đều với tâm nguyện cống hiến, giúp mọi người thoát khỏi bần hàn về trí tuệ, tư tưởng, tinh thần và vật chất. Chúng con đem ngọn lửa trí tuệ và yêu thương ấy lan tỏa khắp Bắc Trung Nam. Riêng hôm nay có 20 đoàn đi đến tất cả các trung tâm thương bệnh binh miền Bắc. Phần quà hôm nay nho nhỏ thôi, nhưng tấm lòng chúng con thì luôn đong đầy”.

Ông Phúc cũng hoan hỉ thông báo với các thương bệnh binh và cán bộ nhân viên Trung tâm những kết quả ấn tượng mà CLB Tình Người đạt được trong năm 2019: Kết hợp với chính quyền và nhân dân xây được 1952 ngôi nhà tình nghĩa, trao tặng gần 10.000 suất quà… Tổng giá trị trao tặng lên đến gần 80 tỉ đồng.

Tham gia chuyến đi, chị Vũ Hoài Thanh, một vận động viên khuyết tật - tình nguyện viên của CLB Tình Người - lại nhận được những điều đặc biệt của một người có những nỗi niềm riêng trong cuộc sống. Chị tâm sự: “Em bị tai nạn mất một chân, chồng bị khiếm thị và đang phải nỗ lực để nuôi 3 con, nhưng em luôn xác định sống theo phương châm của Tình Người “cho đi là còn mãi”. Về Trung tâm này, em vẫn thấy mình may mắn hơn rất nhiều cô bác thương binh. Bố em cũng là thương binh, nhưng chỉ khi về đây mới cảm nhận rõ nhất nỗi đau, mất mát, sự hy sinh của bố và đồng đội. Em đang trò chuyện với một bác, thì bác lên cơn đau, phải đi tiêm thuốc giảm đau. Nhìn những người như thế, thấy nỗi đau của mình không thấm tháp gì”.

Anh Nguyễn Trọng Thành, 55 tuổi, một nghệ nhân quốc gia về cây cảnh, lại có những cảm nhận khác: “Muốn làm làm cây cảnh nghệ thuật thành công, phải đem lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người chơi, người xem. Còn điều tuyệt vời khi đi hành thiện là để thấy rõ tâm mình sáng, lúc đó mới thật tâm thật tướng. Hôm nay về đây trực tiếp tri ân những người đã cống hiến xương máu cho tổ quốc, đối với tôi là một nhân duyên rất đặc biệt”.

Nước mắt và những cái bắt tay thật chặt

Khi các thành viên của CLB Tình Người đến Trung tâm, bà Mã Thị Bích Nhạn mới được điều chuyển về nhậm chức Giám đốc được 5 ngày.

Trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam) bà Mã Thị Bích Nhạn là Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Mới nhận nhiệm vụ, lại chưa bao giờ tiếp xúc với Tình Người, nên vị nữ Giám đốc không khỏi có những khoảng cách ban đầu.

Nhưng chỉ hơn 1 giờ đồng hồ chứng kiến thái độ ân cần, tận tụy, những hành động tri ân và tình yêu thương xuất phát tự đáy lòng của những con người mặc áo vàng, bà Nhạn đã bật khóc vì xúc động.

Bà Mã Thị Bích Nhạn - Giám đốc Trung tâm bật khóc vì xúc động khi chứng kiến sự ân cần, chu đáo, yêu thương của Tình Người.

Vị nữ Giám đốc ấy, vừa lau nước mắt, vừa đi từng hàng, đưa cả hai tay trân trọng nắm lấy những đôi bàn tay đã có những tháng năm dài cầm súng, nay phải cầm thanh điều khiến xe lăn. Những cái bắt tay ấy, thay rất nhiều lời muốn nói.

Bà Mã Thị Bích Nhạn phát biểu cảm ơn Tình Người.

Trong phần phát biểu kết thúc chương trình, bà Mã Thị Bích Nhạn xúc động: “Cảm ơn các anh chị đã mang về đây ngọn lửa ấm của Tình Người, lửa ấm trong tim. Chúng tôi đã thấy cái Tết rất ấm áp. Chúng tôi vô cùng xúc động trước tình cảm, lời ca tiếng hát, sự nhiệt tâm của Tình Người. Mong các anh chị còn về đây nữa để tiếp thêm khát khao, động lực cho thương bệnh binh và cán bộ Trung tâm, khơi lên ngọn lửa, tinh thần vượt lên hoàn cảnh”.

Dưới đây là một số hình ảnh ấn tượng của buổi tri ân:

Một thương binh nặng ngồi xe lăn say sưa quay clip.


Các thương bệnh binh hòa giọng ca với ca sĩ Tình Người.

Thành viên Tình Người tặng quà các thương bệnh binh.

Những hình ảnh lưu dấu khoảnh khắc khó quên với cả Tình Người, các thương bệnh binh và cán bộ Trung tâm.

04/07/2021 Chung 1 niềm tin vào sự tuyệt vời của trí tuệ Trước những vấn đề rất mới xuất hiện trong cuộc sống, ví như mô hình tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ Tình Người, bất kỳ một ai thấm nhuần thực tế: Sự hiểu biết của con người được ví như giọt nước nhỏ nhoi giữa đại dương mênh mông những điều con người chưa biết, thì rất cần sự bình tâm, khách quan xem xét, lý giải để tránh đánh mất đi giá trị và ý nghĩa to lớn của những điều rất mới mang lại lợi lạc cho mỗi người, cũng như cho cộng đồng, xã hội. Giữa lúc vẫn còn cách hiểu lệch lạc về hoạt động của Câu lạc bộ Tình Người, thì có rất nhiều người đã vô cùng may mắn được đón trí tuệ ở Câu lạc bộ Tình Người vẫn đều đặn gửi những bức tâm thư thể hiện mạnh mẽ 1 niềm tin: Trí tuệ đã mang lại những giá trị, ý nghĩa vô cùng to lớn cho bản thân, gia đình, công việc, quan hệ, tài chính của mỗi con người, cũng như cộng đồng.

Xem tiếp

10/05/2021 Niềm hạnh phúc của bà Nguyễn Thị Vinh trong ngày đón đại diện Câu lạc bộ Tình Người và các tổ chức, đoàn thể về thăm nhà Ngôi nhà đầu tiền mà đoàn đại diện Câu lạc bộ Tình Người về hỗ trợ kinh phí xây dựng là nhà bà Nguyễn Thị Vinh, tại thôn Hạc Sơn, xã Châu Sơn, huyện Ba Vì. Chồng bà Vinh mất đã lâu.

Xem tiếp

08/05/2021 3 lần vào viện mới mổ được tim cho con Cháu Lò Văn Tiến, sinh năm 2004, dân tộc Thái, ở vùng khó khăn (bản Sen Đông, xã Mường Than, huyện Than Yên, Lai Châu) bị bệnh tim bẩm sinh nặng, nhưng mẹ cháu, chị Lò Thị Liên chia sẻ gia đình không biết. Mãi đến năm 2019, khi gia đình phát hiện cháu khó thở, người yếu, thì mới đưa cháu đi khám.

Xem tiếp