Mang tâm biết ơn hướng về Lạng Giang

Ngày hôm nay, 90 thành viên Câu lạc bộ Tình Người dành tặng các bác thương bệnh binh Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Lạng Giang 45 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng gồm quà và tiền mặt. Nhưng giá trị vật chất dù lớn dù nhỏ đến đâu cũng chỉ là phương tiện biểu hiện một phần tấm lòng sâu thẳm biết ơn và thấm đẫm nghĩa tình từ các thành viên Câu lạc bộ...

Nối bước những hành trình của khát vọng và biết ơn

Rạng sáng ngày 20/7/2020, em học sinh cấp 2 Nguyễn Khoa Nam, học viên lớp Vĩ nhân tương lai của Câu lạc bộ Tình Người theo đoàn 90 thành viên đại diện Câu lạc bộ ba miền Bắc-Trung-Nam về với các bác thương binh, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Lạng Giang, Bắc Giang. “Em đã thao thức, háo hức đến không ngủ được. Em ấn định mang tới các bác sự ân cần chu đáo trong ngày hôm nay”, em Nam chia sẻ.

Cùng đi trong đoàn là bạn học viên Nguyễn Thị Oanh nhóm TN6. Bạn đã khởi tâm từ rất lâu mong được đón nhân duyên. Hôm nay khi nhân duyên hội tụ, bạn đón điều đặc biệt trong cuộc đời là "tấm vé" cuối cùng trên chuyến xe đoàn Tình Người về với Lạng Giang dành cho bạn, để bạn "được báo ơn, trả nợ, báo hiếu và tạo phúc".

Món quà vật chất chỉ là phương tiện để biểu hiện một phần tấm lòng từ các thành viên Câu lạc bộ đến với các bác thương binh.

Ngày hôm nay, 715 cô bác anh chị em là hội viên, cộng tác viên và học viên Câu lạc bộ Tình Người ra quân 8 mũi hướng về các trung tâm điều dưỡng thương binh, chăm sóc và phục hồi chức năng bệnh binh và người có công toàn miền Bắc tại 6 tỉnh, xa nhất là Nghệ An và gần nhất là Bắc Ninh, trong Chương trình tri ân và trao tặng 691 suất quà với tổng giá trị 703,8 triệu đồng tới các cô bác nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947-2020).

Trong 10 năm phát triển của Câu lạc bộ Tình Người, nhân duyên được về tri ân cô bác tại các trung tâm điều dưỡng thương binh là thường niên, nhưng năm nay đặc biệt vô cùng khi lần đầu tiên Câu lạc bộ về với các bác trong sắc áo vàng rồi đây sẽ trở thành một truyền thống bất diệt của Tình Người (lần tri ân tháng Bảy năm 2019 trở về trước các thành viên Tình Người khoác trên mình màu áo Chữ thập đỏ).

Cùng cộng hưởng với 7 đoàn khác trong Chương trình, đoàn chúng tôi về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Lạng Giang, Bắc Giang. Nơi đây, như lời ông Trương Xuân Đạt - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm nằm trong hệ thống các trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh và người có công từ Huế trở ra. Thuộc số các trung tâm chuyên khoa, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Lạng Giang chuyên điều trị nội khoa mãn tính, bên cạnh Trung tâm Thuận Thành chủ yếu các bác thương binh đi xe lăn; hai trung tâm điều trị chấn thương sọ não, tâm thần Kim Bảng và Duy Tiên ở Hà Nam. Hiện Trung tâm có 45 bác thương binh hạng thương tật 61, 71, 81, 91% trong đó có vài trường hợp bị rất nặng, như một bác từ Chiến tranh Biên giới về bị liệt nửa người, một bác chạy thận, hai bác ngồi xe lăn. Các bác được các y, bác sĩ nấu ăn cho nhưng một số bác tự nấu vì không muốn phiền mọi người. Một vài năm, mươi năm trên chiến trường và 30-40 năm gắn bó với Trung tâm, thậm chí đến suốt phần đời còn lại các bác gắn bó với Trung tâm. Có bác vợ đã mất, có bác không lập gia đình, có bác lập gia đình ngay tại Trung tâm, có bác vợ ở quê lên chăm. Trung tâm hiện có 30 cán bộ và trung bình mỗi cán bộ phụ trách chăm sóc một bác.

Đoàn Câu lạc bộ Tình Người do ông Nguyễn Văn Điệp - Ủy viên Ban chấp hành - làm trưởng đoàn, làm việc với lãnh đạo Trung tâm Điều dưỡng thương binh Lạng Giang và lắng nghe những chia sẻ từ các bác về hoạt động của Trung tâm.

Ký ức hào hùng mà bi tráng một thời hoa lửa của những người con dân đất Việt cuộn chảy trong huyết mạch của từng thương binh, bệnh binh, để ngày hôm nay trong chương trình tri ân chan chứa yêu thương và thấm đẫm biết ơn từ các thành viên Tình Người đến các cô các bác, đã bừng dậy sống động trong từng chia sẻ rạo rực. Những ngày gian khó mà rất đỗi tự hào, những khát vọng và ý chí bất tử “nhất xanh cỏ nhì đỏ ngực”, những kỷ niệm tươi tắn về người thương nơi hậu phương, và cả những nốt trầm lắng ưu tư rất đời thường về bạo bệnh...

Lại một lần nữa đón Tình Người, bác Lê Văn Cần (sinh năm 1941) hoan hỉ chia sẻ về truyền thống cách mạng gia đình, về quá khứ vẻ vang nơi chiến trường. Là một trinh sát luồn sâu bộ binh thuộc Sư đoàn Tiên Phong những năm Đồng Khởi và mặt trận Quảng Trị, bác vẫn nhớ như in lời của đồng chí lãnh đạo động viên, rằng “dù người ta có đưa vào hết pho sách này đến pho sách khác, cũng không thể nói hết gian khổ. Nhưng ‘nhiệm vụ phải đi, nhiệm vụ phải làm, cố gắng mà làm’”. Bác bộc bạch, “nghĩ mình còn sống là may mắn rồi”.

Người cựu chiến binh năm nào Lê Văn Cần tự hào chia sẻ về truyền thống cách mạng của gia đình, về những ngày gian khó nơi chiến trường.

Và bác Lại Đức Chuyển, ngồi xe lăn, những cơn đau cắt cứa vì chấn thương nội tạng khiến bác nhiều lúc căng thẳng, thậm chí khó tính. Nhưng ngày hôm nay bác thật vui khi lên với Hội trường để được dành những vần thơ tự đáy lòng dành tặng đồng đội và thành viên đoàn Tình Người.

Bác Lại Đức Chuyển trên chiếc xe lăn đến Hội trường đọc thơ tặng đồng đội và đoàn Tình Người.

Bác Nguyễn Hữu Duy (Thái Bình) có 3 người con trai, 3 cháu đích tôn, 9 chắt. Hoan hỉ đón đoàn Tình Người với những câu chuyện sinh động và lối kể chuyện rất có duyên về con người, về cuộc đời, mà ít nói về bản thân, nhưng bác thoáng bùi ngùi khi dự đoán mình “chỉ còn được vài năm nữa”, bởi thời gian gần đây bác thấy mình mỗi sáng lại bị hụt hơi.

Bác Nguyễn Hữu Duy chia sẻ những câu chuyện sinh động về cuộc đời, về con người và về xã hội với các thành viên Tình Người.

Trải quy luật nghiệt ngã của thời gian và bệnh tật, có thời điểm Trung tâm đông gần 100 trường hợp nhưng nay chỉ còn 45 bác. Năm nay chúng con về thăm các bác, năm sau không biết có còn nhân duyên gặp lại các bác nữa hay không. Theo Nghị định 31/2013/NĐ-CP, những thương binh đặc biệt, bị mất trên 81% sức khoẻ được ví như những “liệt sĩ sống”. Nhà nước đã có chính sách khi các bác mất do vết thương tái phát hoặc mất khi đang điều trị sẽ được tôn vinh là những liệt sĩ quên mình vì Tổ quốc.

Hướng đích tuyệt vời và đáng nhất

Ngày hôm nay 90 thành viên Tình Người mang đến Trung tâm 45 suất quà tri ân, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng gồm quà và tiền mặt. Nhưng giá trị vật chất dù lớn dù nhỏ đến đâu cũng chỉ là phương tiện biểu hiện một phần tấm lòng sâu thẳm biết ơn và thấm đẫm nghĩa tình từ các thành viên Câu lạc bộ chúng con. Và hơn thế nữa, tại sao chuyến đi lại là "tạo phúc, báo ơn, trả nợ, báo hiếu"? Khái niệm "văn hóa trí tuệ" là gì? Trí tuệ chỉ cho từng thành viên Tình Người thấu triệt về đích. Khi đích chuẩn thì tâm chuẩn, hành động thực sự hoan hỉ và chuẩn mực. Với các thành viên Tình Người, chuyến đi tri ân hướng tới đạt ba đích vô cùng tuyệt vời và vô cùng đáng.

Trong ý nghĩa thứ nhất, tạo mô hình nét "văn hóa tạo phúc, báo ơn, báo hiếu, trả nợ" cho học viên để đưa mô hình về gia đình, về địa phương, về cơ quan mình là một đích. Sẽ không có cách lan tỏa nào nhanh hơn và tuyệt vời hơn điều này. Tình Người dù phát triển đến đâu nhưng "sẽ không có quy mô một triệu, một tỷ người mà người người, nhà nhà đều biết đến báo ơn, báo hiếu, đều biết trả nợ, tạo phúc để cùng thực hiện", anh Lê Đăng Công, một hội viên Câu lạc bộ Tình Người và là thành viên Ban tổ chức chuyến đi chia sẻ.

Các thành viên Tình Người ân cần thăm hỏi các bác, gần gũi như người ruột thịt thân xa lâu ngày gặp lại.

Ngày hôm nay, bên cạnh các hội viên và học viên Câu lạc bộ, đoàn còn có các em, các cháu lớp Vĩ nhân tương lai lớp cấp 2 và lớp đại học. Đặc biệt, còn có cả những gia đình cùng "đồng duyên, đồng tâm, đồng chí hướng" trên hành trình, như gia đình anh Nguyễn Văn Điệp hội viên Câu lạc bộ đi cùng vợ và con gái trên một chuyến xe, cùng hướng đích xây dựng văn hóa “Báo ơn, báo hiếu, tạo phúc, trả nợ”; văn hóa “Con người trí tuệ” và văn hóa “Cống hiến cho đời”. "Đó là nét văn hóa. Nét văn hóa để đời nối đời về phía sau", anh Lê Đăng Công nhấn mạnh.

Bạn Quách Hiền Lương học viên nhóm TN9 cho hay gia đình bạn cũng có các bác là liệt sĩ, và hôm nay được đi tri ân lại gặp những nhân chứng sống là các bác thương binh. Cảm xúc biết ơn dâng trào nơi bạn. Bạn khởi tâm đưa trí tuệ vào quê Bác (theo đoàn tri ân đi Nghệ An) nhưng lại được đón duyên đoàn về quê hương chồng (Bắc Giang). "Em may mắn được đón các chuyến đi cùng với Tình Người. Đi thăm bệnh nhân bệnh viện, đi xây nhà, đi trao nhà. Mọi chuyến đi đều tuyệt vời hết ạ!". Nhìn thấy những bạn nhỏ học viên lớp Vĩ nhân tương lai như bạn Nguyễn Anh Thư con anh Nguyễn Văn Điệp, kể câu chuyện về hai bạn nhỏ con mình một cháu lớp 12 một cháu lớp 6, bạn chia sẻ cảm nhận: “em nhìn thấy tương lai của con mình khi bố mẹ biết đến trí tuệ”.

Ông Nguyễn Văn Điệp - Ủy viên Ban chấp hành Câu lạc bộ Tình Người ân cần trao quà tới các bác thương binh.

Đích lớn thứ hai là "báo ơn, báo hiếu, trả nợ" mà không phải là đi từ thiện. Là con người có trí tuệ thì cần biết báo ơn, bởi các anh hùng liệt sĩ, những người thương binh để lại một phần thân thể nơi chiến trường đã hóa thân thành hồn thiêng sông núi, là điểm tựa của mỗi người. Cách nay đã 73 năm, ngày 27/7/1947, tại cuộc mít tinh mở đầu Ngày Thương binh toàn quốc, Ban tổ chức đã cho công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có đoạn: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy... ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh. Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

“Các con mang điều gì đến với các cô chú ngày hôm nay”? Bạn Vũ Thị Kim Duyên lớp Vĩ nhân tương lai đại học chia sẻ: “Ngày hôm nay con mang đến đây trước tiên là sự kính trọng, biết ơn. Bởi từ khi biết đến trí tuệ con mới hiểu được rằng ‘Cây có gốc mới nảy cành xanh lá / Nước có nguồn mới bể cả sông sâu / Con người ta xuất phát từ đâu / Có tiên tổ mai sau mới có mình’. Chúng con hiểu được rằng chúng con có được như ngày hôm nay là nhờ phần công sức rất lớn của các cô chú đã đổ xương máu để giành lại độc lập tự do cho đất nước. Ngoài sự kính trọng biết ơn, con mang đến đây sự ân cần chu đáo quan tâm hỏi han. Và chúng con rất mong muốn tình người chúng con mang đến đây sẽ chan hòa hết không gian và thời gian để giúp các cô chú xóa nhòa các vết thương do chiến tranh...”.

Bạn Vũ Thị Kim Duyên học viên lớp Vĩ nhân tương lai (đại học) chia sẻ về điều tuyệt vời bạn mang đến các bác thương bệnh binh Trung tâm.

Luyện trí tuệ cũng là một đích lớn của các thành viên Tình Người, thông qua các cảnh trên con đường hành thiện, hành sứ mệnh để luyện tâm, luyện nguyên lý, luyện nguyên tắc. Có bạn đã ấn định ngày hôm nay chỉ luyện sự hoan hỉ, sự ân cần, chu đáo. Có bạn vô cùng tâm đắc với nguyên tắc kiểm soát.

"Đến giờ phút này con thấy mình đã làm được những gì mình đã ấn định. Cũng như các cô các bác, bằng sự ân cần chu đáo, chuyên tâm, nhất tâm và dồn tâm. Con chỉ thấy một điều khi con làm, con đã dùng tâm hoan hỉ của mình, tâm ân cần của mình để chia sẻ với các bác. Lúc đầu các bác rất bình thường, sau khi chia sẻ các bác trở nên vui vẻ. Con thấy khi mình chuyên tâm, dồn tâm, nhất tâm mình thay đổi tâm người đối diện”, bạn Nguyễn Thị Oanh chia sẻ trên xe lúc đoàn hoàn thành Chương trình và trên đường trở về.

Bạn Nguyễn Thị Oanh nhóm TN6 hoan hỉ chia sẻ về nhân duyên bạn được đón và những điều bạn thu hoạch được khi về với các bác thương bệnh binh.

"Đối với các đồng chí hội viên, cộng tác viên của Câu lạc bộ Tình Người là những người có tâm sáng, và các đồng chí tham gia Câu lạc bộ Tình Người cái tâm càng ngày càng sáng hơn. Hôm nay đơn vị rất vui mừng phấn khởi được đón các đồng chí. Mỗi lần Câu lạc bộ Tình Người về với đơn vị, các bác thương bệnh binh như thấy mình được trẻ lại, được cảm nhận cái không khí hào hùng của tuổi trẻ những năm về trước. [...] Kính chúc các đồng chí luôn luôn mạnh khỏe, phát huy trí tuệ, đầy chan chứa ‘tình người’. Mãi mãi nêu cao 'cho đi là còn mãi', 'tình người lan tỏa đến muôn nơi, trái tim lan tỏa đến trái tim'", trong sự thấu cảm tận đáy lòng hoạt động ý nghĩa của Câu lạc bộ Tình Người, ông Trương Xuân Đạt - Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Lạng Giang thay mặt toàn thể cán bộ, y bác sĩ và các thương bệnh binh của Trung tâm phát biểu, cảm ơn Câu lạc bộ.

Khoảnh khắc tâm đồng tâm khi các bác thương binh, các y bác sĩ và cán bộ Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Lạng Giang cùng Đoàn Tình Người hội tụ chụp bức ảnh chung.

Những ngày tháng Bảy sâu nặng nghĩa tình nhắc nhở mỗi người con đất Việt đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây". Với từng thành viên may mắn được đón trí tuệ tại Môi trường Câu lạc bộ Tình Người và may mắn được cộng hưởng cùng Câu lạc bộ trong Chương trình tri ân thương bệnh binh ngày hôm nay, càng thấu đến tận cốt lõi ý nghĩa sâu sắc truyền thống văn hóa tốt đẹp ngàn đời này của dân tộc. Được đến với Môi trường Tình Người, được học đón trí tuệ, bắt đầu hồi sinh thành con người trí tuệ là bắt đầu biết báo ơn, biết báo hiếu, biết cống hiến. Để trên dặm dài đất nước ngày hôm nay cho mãi đến mai sau, mọi lúc mọi nơi từng người sẽ luôn ấn định là con người trí tuệ, ấn định lan tỏa các nét văn hóa trí tuệ, để lại cho đời những “dấu ấn son”...


2021-07-04 00:00:00.0 Trong số hàng nghìn bức tâm thư được viết từ tâm của những người đã may mắn được đón trí tuệ ở Câu lạc bộ Tình Người, đến nay vừa tròn 100 bức tâm thư được chia sẻ rộng rãi tới cộng đồng. Gửi gắm trong 100 bức tâm thư ấy là chung 1 niềm tin, 1 lòng biết ơn, 1 khát vọng.

Xem thêm

2021-05-10 01:30:00.0 Tiếp nối chương trình “Mái ấm Tình Người” giàu tính nhân văn, thể hiện đạo lý "Lá lành đùm lá rách" tốt đẹp của dân tộc ta, ngày 7/5/2021, đại diện Câu lạc bộ Tình Người đã về huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội, để hỗ trợ 90 triệu đồng xây dựng 3 ngôi nhà cho các hộ nghèo.

Xem thêm

2021-05-08 00:00:00.0 Đó là chia sẻ của chị Lò Thị Liên, mẹ của cháu Lò Văn Tiến, bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh nặng vừa trải qua ca mổ tim thành công ở Bệnh viện E nhờ sự chung tay hỗ trợ kinh phí của các nhà tài trợ, trong đó có Câu lạc bộ Tình Người.

Xem thêm